Vì sao bé trai,bé gái thích chơi ôtô đến như vậy?

Ngay từ nhỏ, các bé đã muốn sở hữu và thích khám phá những chiếc xe ôtô đồ chơi. Không hoàn cảnh, khoảng cách hay điều kiện kinh tế nào có thể ngăn cản được cái sở thích hết sức tự nhiên đó. Ôtô làm mê mẩn đàn ông từ khi họ còn là những cậu bé.

Sở thích tự nhiên

Ở giai đoạn nhà trẻ, mẫu giáo, đồ chơi có thể xem là một người bạn gắn bó, làm phong phú thêm đời sống tinh thần của trẻ. Theo các nhà tâm lí, đồ chơi cho bé trai có phần khác bé gái do sự khác nhau về giới tính dẫn đến những sở thích tâm lí khác nhau. Các bé gái thích búp bê, các loài vật, các dụng cụ trong gia đình để chơi trò nấu cơm, dọn cỗ. Bé trai lại thích ôtô, tầu thuỷ, máy bay, các loại kèn… thậm chí là súng và kiếm. Đó là những biểu hiện tự nhiên.

Bà Bùi Thị Thanh Hoà (Trưởng phòng tư vấn – Trung tâm tư vấn Linh Tâm) cho biết: “Trong những món đồ chơi, ô tô được trẻ rất thích vì chúng có thể chuyển động, tạo ra tiếng kêu phù hợp với tâm lý hiếu động của trẻ nhỏ. Đối với các bé trai, ô tô là những món đồ với nhiều hình khối hấp dẫn, là các “thiết bị” khác nhau nên ngoài việc chơi thông thường, các em còn muốn khám phá các hình khối màu sắc của chúng. Có thể nói những chiếc ô tô đã phần nào đáp ứng được tâm lý hiếu kỳ của các trẻ em trai, do đó món đồ chơi này luôn chiếm được sự yêu thích của các em”.

Tìm hiểu và phân biệt những mẫu xe của người lớn được thu nhỏ lại như xe cứu thương, cứu hỏa, cảnh sát, cần cẩu… cũng là lí do khiến các chú nhóc thích ôtô. Đang trong giai đoạn bắt chước, chúng thích làm theo những điều mà bố hoặc anh thường làm như sửa xe, điều khiển cho xe chạy. Qua các loại xe, chúng biết đồng nhất với người lớn cũng như biết tự khẳng định mình trong vai trò một cậu bé. Bắt đầu ý thức mình là một đứa con trai khi tháo tung mọi phụ tùng của chiếc xe ôtô đồ chơi ra để “sửa”.

Sự thích thú với những chiếc ôtô đồ chơi cũng xuất phát từ việc những chiếc ôtô thật luôn khơi gợi trí tò mò ở trẻ. Ở Việt Nam, cách đây vài ba chục năm, ôtô là một thứ gì đó rất lạ lẫm đối với trẻ em. Những cậu bé lúc đó thích được đi, được xem, được chụp ảnh với ôtô… thích được cầm bất cứ vật gì hình tròn giống như cầm vô lăng để “giả vờ” lái ôtô.

Bà Bùi Thị Thanh Hòa cho biết thêm: “Chơi đồ chơi tưởng chừng như đơn giản nhưng lại có ảnh hưởng rất nhiều đến tâm lý của trẻ nhỏ. Những trò chơi và đồ chơi cũng góp phần hình thành nên tâm tính trẻ. Có những đồ chơi giúp kích thích trí thông minh và sức tưởng tượng của trẻ như những món đồ xếp hình với những hình khối nhiều màu sắc. Có những món đồ chơi giúp rèn luyện phản xạ nhanh nhạy, khéo léo như đánh bóng, đánh bi… Khi chơi những món đồ chơi có tính công nghệ như máy bay, ô tô… trẻ sẽ trở nên mạnh mẽ hơn, năng động hơn. Vì vậy ôtô đồ chơi và lúc lớn lên là ô tô thật phù hợp với tính cách mạnh mẽ của đàn ông”.

Đam mê không khoảng cách.

Những đứa trẻ dù ở hoàn cảnh nào: nông thôn hay thành thị; thời điểm nào: cách đây vài chục năm hay hiện tại đều có niềm vui thích với những chiếc ôtô. Sự khác nhau, có chăng chỉ là ở những góc độ tiếp cận. Một đứa trẻ bây giờ khám phá chiếc xe của nó hẳn phải khác với một đứa trẻ cách đây 20 – 30 năm.

Anh Nguyễn Hoàng Việt (34 tuổi – Lí Nhân – Hà Nam) tâm sự: “Mình thích ôtô từ hồi còn bé xíu. Thích đến nỗi bỏ cả cơm để đi xem ôtô. Về đến nhà kiểu gì cũng phải tìm đồ để làm một chiếc xe của riêng mình. Bánh xe là nắp chai, trục bánh vót bằng tre với sợi dây chun cuốn quanh, thân xe là bao thuốc, xịn hơn thì làm bằng hộp sắt. Có một chiếc xe mình tự làm, lại chạy được thì vui lắm”.

Câu chuyện về chiếc xe đồ chơi của anh Thành (27 tuổi – Thạch Thất – Hà Nội) thì lại khác. Anh kể: “Lúc tôi còn nhỏ, bố tôi làm nghề thợ mộc. Cũng thích xe cộ lắm nên thường lấy những mảnh gỗ thừa đẽo thành xe. Ra ngoài đường thấy loại nào là về đục đẽo cho ra cái xe giống như thế. Vì thế mà tôi có đủ loại xe gỗ từ xe con, xe khách đến xe tải hay xe xúc đất. Đó là bộ sưu tập “oách” nhất so với lũ bạn cùng xóm vì chúng nó chỉ có xe nặn rồi nung bằng đất, không chạy được”.

So với lứa tuổi trên, những đứa trẻ bây giờ có điều kiện hơn nhiều. Dẫn con mình đến các gian hàng đồ chơi trong siêu thị hay đến các phố bán đồ chơi, các bậc phụ huynh có thể dễ dàng lựa chọn rất nhiều loại ôtô đồ chơi mà con mình thích như: ôtô chạy bằng pin có đèn nhấp nháy, có nhạc, biết mở cửa, mở mui xe, đi tránh vật…, thậm chí có cả ôtô vừa là ôtô, vừa có thể biến thành siêu nhân biết đi trên 2 bánh xe sau.

Các bậc phụ huynh chiều theo sở thích ôtô của con có thể bỏ ra 500 – 700 nghìn để mua một chiếc xe điều khiển từ xa hoặc 1 – 2 triệu cho một chiếc xe điện mà trẻ có thể ngồi trong đó điều khiển. Bỏ số tiền không nhỏ ra mua một chiếc xe đồ chơi, nhưng nếu bố mẹ các cậu bé không chọn mua phù hợp theo lứa tuổi thì chiếc xe cũng sẽ bị phá hoặc mở tung các bộ phận vài ngày sau đó.

Có ý kiến cho rằng, việc chơi đồ chơi của thế hệ trẻ em hiện tại và thế hệ trẻ em như anh Việt, anh Dũng nói trên khác nhau ở cách chơi. Lấy ví dụ là một chiếc ôtô, nếu thế hệ trước tận dụng những thứ mình có để sáng tạo, “phát minh” ra một chiếc xe cho riêng mình thì thế hệ trẻ em ngày nay được sở hữu những thứ đã làm sẵn và chúng chơi bằng cách phá tung hay tháo rời từng bộ phận của chiếc xe.

Giải thích về sự khác biệt thế hệ nói trên, Thạc sĩ tâm lí học Nguyễn Hồng Nhung cho rằng, qua cách chơi với những chiếc ôtô, không thể kết luận sự khác nhau bằng hai từ đối lập “sáng tạo và phá huỷ”. Thế hệ trẻ em hơn hai chục năm trước do không có điều kiện nên phải tự tạo ra đồ chơi và sự sáng tạo đó chỉ là hết sức đơn giản. Lớp trẻ em ngày nay, tuy chúng phá tung mọi đồ chơi nhưng bù lại chúng lại học và hiểu được phần nào những cấu trúc hay nguyên lí hoạt động khá phức tạp trong đó.

Nói tóm lại, những chiếc ôtô luôn khơi gợi trí tò mò và là nguồn cảm hứng để bọn trẻ chơi, sáng tạo, tìm hiểu.

Theo Autonet

Loading

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

0911 593999